Một trong những di tích quan trọng bậc nhất của dòng họ Đỗ Việt Nam, là
gò Thiềm Thừ (hay gò Ba La), trên cánh đồng của thôn Văn La (nay thuộc
Khu Đô thị Văn La, quận Hà Đông).
Gò Thiềm Thừ ở vùng Ba La, tỉnh Hà Tây cũ, theo phả cũ đây là mộ của Bát bộ Kim Cương.
Theo các cụ cao niên của địa phương kể lại, thời thuộc Pháp phần lớn
ruộng đất ở đây của người Cự Đà. Cánh đồng Văn La thuộc sở hữu của một
gia đình điền chủ giầu có nối tiếng của làng Cự Đà tên là Trịnh Văn Cối.
Ngày nhỏ các cụ vẫn theo các bậc trưởng thượng lên gò thắp hương, thì
gò còn cao lắm, phải níu gốc cây mà lên. Trên gò còn có 02 bia con cóc,
mà sau này người ta đóng bè chuyển về Cự Đà. Từ đó việc thờ phụng cứ
nhạt dần, chỉ còn trong ký ức vài cụ cao tuổi, tưởng chừng mất hẳn.
May sao, khi nghiên cứu về dòng họ, nhóm nghiên cứu do PGS Đỗ Tòng lãnh
đạo đã tiếp cận được nguồn sử liệu Hán Nôm qúi giá được gia tộc họ
Nguyễn Vân, ở Thôn Vân Nội, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai lưu giữ. Đặc
biệt là hai bộ Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư (nội dung nói về thời Phục Hy
đã làm Chủ trưởng ở vùng đất Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… đến các
thế hệ sau. Ở đây có nói đến nước Xích Quỉ do Kinh Dương Vương đứng đầu)
và Bách Việt Tộc Phả (có ghi rõ đây là phả mật, không truyền ra
ngoài)…Những tài liệu này đã được Nhóm nghiên cứu dịch ra chữ Quốc ngữ,
xin trích một đoạn đoạn:
“Thủy Tổ Tỷ Hương Vân Cái Bồ Tát Đỗ Quí Thị (Quý bà họ Đỗ).
Có tên là Ngoan, bị chồng bỏ thì đem con vào Động Tiên Phi (ở tỉnh Hoà
Bình) tu hành, dạy dân làm điều thiện, bỏ điều ác và nuôi con là Nguyễn
Lộc Tục trưởng thành. Đạo hiệu là Diệu Tín Thiền Sư.
Trong nước
có giặc Ma Mạc quấy phá ở núi Tử Di Sơn, Bà cho con đem bánh chưng,
bánh dày dâng lên Đức Ông Nguyễn Minh Khiết (hiệu Thái Khương công).
Được Đức Ông khen và giao cho binh quyền dẹp giặc. Nguyễn Long Cảnh là
chú thấy cháu là con trưởng còn ít tuổi, xin anh cho đi cùng với cháu.
Dẹp được giặc Ma Mạc, Lộc Tục lúc trở về đi qua hồ Động Đình, được Động Đình quân gả con gái cho, đó là Mẫu Thượng Ngàn.
Còn có 8 anh em trai của Bà (có nghề rèn đúc đồng, làm vũ khí) là: Đỗ
Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Cương, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng.
Đời sau, tôn hiệu Bà là Hương Vân Cái Bồ Tát (Tây Vương Mẫu). Người dân tộc Mường, Hoà Bình gọi Bà là Sơn trại Chúa Mường.
Tám em trai Bà được tôn hiệu là "Bát Bộ Kim Cương bồ tát.”
“Tám vị mà Lộc Tục gọi là cậu (em mẹ) thường được gọi là Bát Bộ Kim Cương và mang Phật hiệu, là:
1-Đỗ Xương, hiệu Thanh Trừ Tai Kim Cương;
2- Đỗ Tiêu, hiệu là Tịch Độc Thận Kim Cương;
3- Đỗ Kỷ, hiệu là Hoàn Tuỳ Cầu Kim Cương;
4- Đỗ Cương, hiệu là Bạch Tịnh Thuỷ Kim Cương;
5-Đỗ Chương, hiệu là Xích Thanh Hoả Kim Cương;
6-Đỗ Dũng, hiệu là Định Trừ Tai Kim Cương;
7- Đỗ Bích, hiệu là Tử Hiền Thần Kim Cương;
8- Đỗ Trọng, hiệu là Đại Thần Lục Kim Cương.”
Bia con cóc ở Cự Đà
Bia con cóc ở Mộ của 8 vị này trên gò Thiềm Thừ (gò cóc Thần) nay vẫn
còn trên bờ sông Nhuệ, ở làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Hai bia đều bằng đá, hình trụ chữ nhật, trên đỉnh trụ bia có con cóc
ôm quả địa cầu, tượng trưng là "Cậu Ông Trời" (Ngọc Hoàng Thượng Đế).
Cóc đá có chiều cao 27 cm, dài 42 cm, nằm trên bệ đá hình vuông 48 cm x
48 cm. Trên lưng cóc tạo hốc sâu, để chứa dầu và bấc. Khi đốt lên là hai
cây đèn thờ. Bốn mặt bia đề bốn câu chữ Hán.
Phiên âm chữ Hán:
- Phương phần bảo vật
- Vạn cổ nghiễm nhiên
- Chi hạng lưu hương
- Thiên thu thường tại.
Lời dịch của La Sơn Phù Tử Nguyễn Thiếp năm 1789:
- Lối cũ dấu thơm
- Nghìn xưa vẫn đó
- Cây to báu vật
- Muôn thuở còn đây.
Tuy giống nhau về hình thức, nhưng hai bia có điểm khác về kích thước.
Một bia có chiều cao từ mặt đất đến đỉnh đầu cóc đá 140 cm, kích thước
chiều rộng trụ 40 cm x 42 cm. Bia thứ hai có kích thước chiều cao 165
cm, chiều rộng 37 cmx 40 cm.
Ngọc phả còn cho biết, Lộc Tục
được cha truyền ngôi có hiệu là Kinh Dương Vương đứng đầu nước Xích Quỉ,
trước khi ra đời nước Văn Lang. Đời sau tôn xưng ngài là Ngọc Hoàng
Thượng Đế. Tám ông cậu của ngài có công giúp cháu từ trứng nước đến khi
trưởng thành, được tôn hiệu là Bát Bộ Kim Cương Bồ Tát và được dân gian
gắn với hình tượng cóc thần, nên mới có câu ca dao:
Con cóc là cậu ông Trời
Hễ ai đánh nó thì Trời đánh cho.
Các vị đó còn là Tổ nghề đúc đồng, rèn ra vũ khí đánh giặc và chế tác
những trống đồng nổi tiếng của người Việt, nhiều trống có đúc tượng cóc
trên mặt trống.
Như vậy Bát bộ Kim Cương là những nhân vật có
thật và thuộc về những vị Tổ xa xưa nhất của Dân tộc được biết đến nay.
Mộ của các ngài hiện còn ở vùng Ba La đã được Nhà nước giao cho họ Đỗ
Việt Nam quản lý, và sẽ sớm được tôn tạo xứng tầm là một di tích Quốc
gia.
Đỗ Quang
Hodovietnam.vn