Hoàng hôn tháng năm ở châu Âu thật diệu kỳ. Đã hơn 20 giờ nhưng bầu trời vẫn sáng trong, những giải mây ánh bạc xen kẽ vệt trắng thẳng tắp phun ra từ đuôi các phi cơ ở độ cao hơn mười nghìn mét làm cho ai đó xa nhà lại nhớ đến bao nỗi gian truân vất vả, tốn kém cho chuyến bay mà họ đã từng leo lên để đến được miền đất hứa này – CH Séc, thiên đường trong tư duy của mỗi con người nghèo khó khi bôn ba ra nước ngoài kiếm ăn, sinh sống.
Văn cùng nhóm bạn đàn em đang làm việc tại nhà máy lắp ráp điện tử kéo nhau ra bãi cỏ bên dòng sông Labe , gần khu nhà tập thể ngoại thành “picknic” (cắm trại). Hai hôm nay là ngày lễ Velikonoce - Phục sinh (dân Việt vẫn gọi là ngày Lễ đập trứng) nên chẳng ai đi làm thêm cả, mấy anh chị “xù mốc” (người Việt sống ở Séc hàng trục năm) dọn hàng sớm không cần cửu vạn như mọi khi.
Cả bọn đều là dân “xù tươi” mới sang, chưa có nhiều người quen tuy vậy họ đã kịp biết phong tục rồi: Không có lời mời chính thức thì đừng tự tiện đến nhà người khác, họ chỉ tiếp mình ngoài cửa thôi. Hai cô gái Hiền và Bình mở túi nylon bầy mấy món lương khô mang theo xuống tấm vải trải bàn trên mặt cỏ. Bánh mỳ rohlík (bánh sừng), dăm cặp xúc xích rẻ tiền, hai con mực loại ngon, một lọ dưa muối từ cải bò (cải nuôi bò, hái ngoài đồng ngô), dăm gói mì ăn liền, một chai Coca-Cola to. Văn rút trong ba lô ra chai quốc lủi thứ thiệt (dân Việt tự nấu bán ngoài chợ biên giới), sáu cái cốc nhựa. Chú em Tuấn và Hưng mang theo chục chai bia Gambrinus hạng bình dân, ướp lạnh hẳn hoi và cây đàn cũ rích của câu lạc bộ. Cả nhóm lượm quanh được ít cành khô vun thành đống củi nhỏ, ngọn lửa bùng lên, cuộn khói thơm mùi thông, bạch dương, tiếng củi nổ tích tách, dịu êm... Buổi tối thư dãn hiếm hoi của những người lao động nước ngoài ở đây bắt đầu như vậy đấy.
Mực, xúc xích cắm vào cành liễu tươi vót nhọn đung đưa trên ngọn lửa, mỡ chảy sèo sèo, mùi tỏa ra khắp vùng, các cô con gái khéo tay kẹp vào bánh làm “hotdog”, tất cả vừa suýt xoa vì nóng vừa đánh chén ngon lành. Năm anh em chúc nhau một ngày lễ an bình mà thực ra chẳng hiểu gì về ngày lễ đó cả. Họ tụ tập chủ yếu là để giết thời gian và tâm sự với nhau về công ăn việc làm, cuộc đời của mỗi người. Thằng Đức chẳng hiểu sao đến giờ chót lại rút lui. Có lẽ sang khu tập thể các em gái rồi…
Được phong là anh cả của nhóm, Văn hỏi qua tình hình làm ăn của các đàn em. Mấy đứa con gái buồn buồn thông báo: “Công việc của chúng em ít lắm mà cái khoản chế độ vẫn không được cải thiện, còn làm đến ngày hôm nay là nhờ mấy bà Tây không được tăng lương độc hại đã bỏ việc lâu rồi. Nhiều hôm phải làm 12 tiếng mỗi ngày và có thể bị đánh nếu ngơi tay, làm hỏng sản phẩm”.
Tuấn vui vẻ hơn thông báo: “Em chắc chỉ phải nghỉ khi nào bọn chủ đóng cửa nhà máy, nằm trong diện hợp đồng hợp tác lao động quốc tế chính thức mà anh”. Văn mắng át ngay: “Chú cứ liệu hồn, ở đất này đừng có mà tinh tướng, chết không kịp ngáp đâu. Nó tuyên bố phá sản buổi sáng buổi chiều đã ra đứng đường rồi”. Thằng Hưng thì lo ra mặt, tháng sau lên phòng nhân sự nhận thông báo mới. Hưng sang đây theo diện kinh doanh lại không có người nhà, bè bạn nên gần hai năm chẳng ổn định công việc. Mang tiếng doanh nghiệp chứ ở nhà là dân xe ôm và đưa bánh mì buổi sáng cho các nhà hàng. Tình cờ “ôm” một vị khách đến Đại sứ quán Séc làm viza, thấy họ đi đông quá, tò mò hỏi han, mắc luôn vào đường dây sang Séc. Bây giờ nợ đầm đìa, vợ con sống trong ngõ, nheo nhóc chờ tiếp viện từng ngày. Hưng phân trần: “Em đang cố gắng thu xếp ít tiền thuê bọn môi giới lao động ở đây xin việc chỗ khác trước khi nhận được giấy kết thúc hợp đồng lao động”. Ngoài ra Hưng vẫn đi làm thêm trông nhà vườn cho một công ty trồng cây cảnh, chủ từ Anh quốc, cách đây 20 km. Tối đến ngủ, ngày đi làm bình thường. “Lương khá ra phết các anh ạ. Nhưng chẳng biết được bao lâu”.
Mặt trời đã chết lịm từ lâu, không khí mát lạnh, đê mê. Dòng sông hiền hòa chảy, nước xanh thẫm, ở những đoạn gềnh lên vẫn nhìn thấy cá bơi lội tung tăng. Phải công nhận ở đây người ta chăm sóc môi trường tốt nên không có rác bẩn trôi nổi và rất hãn hữu gặp tình trạng ô nhiễm nước.
Tháng năm này, người Séc gọi là Kveten, tháng của mầm nhú trồi non, hoa nở, cỏ xanh, của tình yêu lên hương, khêu gợi, kích thích mọi thèm khát trong con người. Văn nâng ly rượu lên nhâm nhi một mình vì hai cậu kia chỉ uống bia còn các cô con gái thì Coca-Cola nhé… Tất cả im lặng theo dòng suy nghĩ của bản thân.
Sang đây đã gần ba năm rồi mà khoản nợ vẫn chất chồng. Gia đình Văn ở quê nhà từng phải thế chấp ruộng vườn, nhà cửa để vay 10.000 USD cho anh trả tiền vé máy bay, tiền môi giới và phí xin visa sang Séc. Mấy đợt xếp hàng làm thủ tục ngủ qua đêm trên vỉa hè Chu Văn An muỗi cắn tí chết; rồi cảnh chen chúc nhau trước cổng sứ quán như chợ vỡ làm anh rùng mình. Đau lòng hơn là cảnh miệt thị của mấy nhân viên sứ quán Séc, họ khinh khỉnh, lạnh nhạt bắt tất cả ngồi xổm dưới nắng nhiều giờ như tội phạm trong trại tù mà xếp hàng, giữ chỗ; buồn đái, buồn ỉa không dám đi; cảnh sát bảo vệ liên tục đi lại quát nạt, sẵn sàng lôi ra khỏi hàng nếu thấy lộn xộn. Họ biết thừa rằng người đi không bao giờ muốn thế cả chỉ có bọn chân gỗ, dịch vụ mới bầy ra cái trò ấy để tranh thủ đưa người vào chen hàng sau đó bán lại chỗ công khai. Nhưng họ lại làm ngơ… Nhớ lại vẫn thấy khiếp.
Năm đầu được mấy bạn đồng hương giúp đỡ công việc, Văn bóp mồm bóp miệng tằn tiện gửi về hơn 4.000 USD, nhưng chỉ hơn một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra trên toàn cầu đã khiến anh phải tự thân vận động xin vào làm việc nay nhà máy sản xuất xe tải của Đức mai nhà máy lắp ráp điện tử và không thể tiếp tục gửi tiền về nhà nữa. Giờ đây, anh thậm chí lo sợ khi nghĩ đến cảnh phải xin tiền gia đình để tồn tại qua ngày.
Văn từng hy vọng hành trình từ cánh đồng lúa Hải Dương đến nhà máy phía Tây của Séc sẽ mang lại cho anh cơ hội đổi đời. Không vì những lời du ngon ngọt của cái công ty môi giới và lời thề chiến hữu của tụi bạn đồng hương về phép thì bố bảo Văn cũng không dám màng tới cái đất Séc lạ hoắc này. Bây giờ chàng trai 28 tuổi đang lo sợ mất việc, không nơi cư trú và ngập trong nợ nần.
Văn thở dài lên tiếng: “Chẳng biết giờ này bố mẹ mình và mấy mẹ con chị Hoa (vợ Văn) sống ra sao?. Nếu phải rau cháo qua ngày thì vẫn còn có quê hương, làng xóm đùm bọc chứ anh em mình giờ này là cùng đường rồi các em ạ”. Hôm qua mấy đứa “dài tiếng” chúng nó kháo nhau: Chính phủ Séc đưa ra gói hỗ trợ cấp vé máy bay miễn phí hồi hương và 500 euro cho những lao động nước ngoài đang thất nghiệp tại đây. Nghe thì sướng thật nhưng về rồi lấy đâu ra tiền mà trả nợ. Hưng tiếp lời: “Em nghe có tới 12.000 người nước ngoài thất nghiệp mà số đăng ký chấp nhận khoản hỗ trợ là hơn 500, chủ yếu người Mông Cổ. Trong khi đó chỉ khoảng hai chục người Việt Nam đồng ý về nước theo chính sách đó. Mấy đứa bạn gọi điện bảo sẵn sàng làm những công việc mà thậm chí người Séc thất nghiệp từ chối làm chứ về nước là chết”.
Tuấn lo ngại: “Anh ơi, Bộ Nội vụ Séc trước đó tuyên bố sẽ trục xuất và cấm nhập cảnh 5 năm đối với bất kỳ người nước ngoài nào tìm cách ở lại bất hợp pháp”. Hoạt động kiểm tra cư trú nghiêm ngặt sẽ bắt đầu trong thời gian tới, sợ lắm. “Năm ngoái nó bắt em ngoài ga, dù trình giấy tờ vẫn nằm chết rét trong đồn cả đêm tới khi phiên dịch đến mới được thả ra. Mình không biết tiếng đi tù chắc không qua nổi đâu”.
Hai đứa con gái tấm tức khóc. Cả hội lại ngồi thừ ra nhìn cánh đồng lúa mạch xanh rì đã sậm tối ảm đạm; ngao ngán, bất lực. Bầu trời hôm nay rất nhiều sao, thỉnh thoảng lại có vệt sao băng và những chấm sáng mà nhiều người bảo là tàu vũ trụ, vệ tinh lừng lững bay trên màn đêm. Mấy đứa nằm ra thảm cỏ ngắm theo như bị thôi miên. Trong một thế giới văn minh, đất nước văn minh, trung tâm văn hóa thế giới vẫn tiềm ẩn những hiểm họa, hoạn nạn, nỗi đau mà con người không thể hoặc không muốn dang tay cứu giúp đồng loại dù đó là lý do nhân đạo.
Tuấn bất lực thổ lộ: “Em có thể phải về nhà với đôi bàn tay trắng, không lấy nổi vợ và không xây nổi nhà”. Đây là điều hổ thẹn ghê gớm với làng xóm, bạn bè. Họ nghĩ mình ăn tàn phá hại, lêu lổng nên mới ra nỗi này. Hắn nghiến răng cót két, có thể tưởng tượng thấy những giọt nước mắt khô cằn đang hoen trên mi mắt.
Hai cô gái tuy còn quá non trẻ trên đường đời, nhưng chuyến đi sang Tây vất vả đã cho các cô nhiều kinh nghiệm và ấn tượng không thể quên. Nhờ bảo lãnh cao và một chút may mắn nên các cô không bị “mắc kẹt”, bị “tạm giam” dọc đường (các cô gái hấp dẫn thường bị bọn đưa người kiếm cớ giữ lại dọc đường hàng tháng và bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị hành hạ, cưỡng hiếp), song những gì thực tế nghe nhìn là không thể bỏ qua, đã hằn in dấu…
Văn cắt ngang dòng suy nghĩ của đàn em bằng một ý tưởng mới: “Anh em mình phải qui tụ lại thành “nhóm chiến đấu” để vượt qua giai đoạn gian khó này”. Mọi người góp một phần lương hàng tháng vào quĩ dự phòng chung để giúp người gặp khó khăn tìm việc, sinh hoạt, giúp đỡ gia đình quá neo đơn, sau này khi ổn định sẽ hoàn lại. Ai tìm được việc gì làm thêm, có mối manh nào kinh doanh thì thông báo cho cả nhóm cùng hành động. Chúng ta phải dựa vào nhau mà sống, không ai thương ta như chính bản thân ta đâu các em ạ. Tinh thần quốc tế vô sản, tính nhân văn, đồng hương, đồng loại chỉ là những ngôn từ văn học mỹ miều mà thôi. Chúng ta phải tự cứu sống lấy mình trước khi rơi xuống vực đen tuyệt vọng…
Cả bốn đứa đàn em cùng bật người dậy. Chúng chợt hiểu ra rằng cho đến ngày hôm nay chúng chỉ mới ăn chung, uống chung, thậm trí ngủ chung… nhưng chưa hề vì một cái chung: quyết tâm sống, chết cùng nhau – Tồn tại trong cộng đồng. Chúng thấm thía với bài phân tích gần đây trên báo Respekt của một nhà xã hội học Séc khi nguyên cứu về tính cộng đồng dân tộc thiểu số trong xã hội Séc:
“Ở nơi đây đã hình thành hai thế hệ người Việt, sự khó hòa nhập có thể cảm nhận rõ. Những lao động mới sang tìm thấy đủ thứ đồ Việt và cả người "trung gian" Việt trong khu chợ cộng đồng. Những người này nói thành thạo tiếng Séc (phần lớn là trí thức) và với mức phí từ 100,-Kc đến 150.000,-Kc họ sẵn sàng thu xếp các việc như đưa những đồng hương chập chững đi khám bệnh hay mở tài khoản, làm bảo hiểm, dịch vụ viza cho thân nhân từ Việt Nam sang... Thậm chí rất nhiều người Việt ở Séc hàng thập kỷ cũng không nói được tiếng bản địa và vì thế họ cần đến người “trung gian” phiên dịch giúp dù chỉ bị cảnh sát dừng xe, kiểm tra giấy tờ thông thường. Chả thế mà các công ty dịch vụ Việt mọc lên như nấm ở khắp mọi nơi, thật ít lừa nhiều…
Với khoảng 70.000 người Việt tại Séc, chỉ đứng thứ hai sau cộng đồng người Ukraina tại đây. Lãnh đạo cộng đồng người Việt sở tại lo ngại rằng nhóm lao động người Việt thất nghiệp sẽ ảnh hưởng tới quan hệ cộng sinh mà họ xây dựng suốt nhiều thập kỷ nay trên đất Séc. Trong nhóm dân tộc thiểu số Việt ở CH Séc cái khó tìm thấy đó là sự đùm bọc quần thể cộng đồng mà theo ngôn ngữ Việt mở rộng ra trong hai chữ “đồng bào”. Họ chỉ mới đạt tới cái gọi là “đồng hương” theo cách tư duy rất nông dân của mình.
Hồi tháng 4.2009, một cuộc trưng cầu cho thấy 66% người Séc không muốn có hàng xóm là người Việt. Người Séc thế hệ mới không muốn quen với việc nhìn thấy màu da khác trong trường học, trên đường phố nơi công cộng... Người Việt đã đề nghị chính phủ Séc lập trường dạy tiếng cho lao động nhập cư để họ có thể làm việc tốt hơn nhưng lời đề nghị đã bị bác bỏ. "Khi nền kinh tế khó khăn, Séc không muốn những lao động này ở đây. Người ta chỉ muốn họ về nước". Tuy nhiên, cộng đồng người Việt ở Séc vẫn là một trong những nhóm người nhập cư thành công nhất ở Trung Âu. Nhiều người mở công ty lớn, cửa hàng, nhà hàng, nói thành thạo tiếng Séc và con cái họ đứng đầu các lớp học cùng với học sinh bản xứ.
Cả bọn lại một lần nữa ngậm ngùi. Họ bị coi là hạng người Việt “thứ cấp” trong khi ngay những người Việt “chính hiệu” cũng còn đang thấp thỏm lo sợ cho cuộc sống hôm nay, ngày mai và trăn trở với cái quá khứ tương tự như ngày hôm nay thế hệ “thứ cấp” đang trải qua.
Hiền thổn thức nói: Đứa bạn cùng phố vì không đi theo đường dây của lãnh sự Séc bị mắc lại ở nhà, gần đây nhận được email của em đã viết: “Đọc thư của mày tao mới cảm nhận được mình chưa quá đen đủi!” Cũng là người có ý định sang CH Séc làm việc, cũng lo thủ tục đầy đủ và nộp hồ sơ chờ phỏng vấn! Rất may do trục trặc cấp visa không thì giờ này chắc nó cũng như Hiền khốn đốn nơi đất khách quê người. “Bây giờ tao nghĩ lại rồi. Nếu một người có quyết tâm, năng động biết cách làm ăn, theo tao Việt Nam là nơi nhiều cơ hội dành cho chúng ta hơn, tuy tiền làm ra không nhiều như bên đó, nhưng đời sống vật giá không đến nỗi bất ổn. Với số tiền để đầu tư chi cho chuyến đi dùng vào việc khác làm ăn tại quê nhà an toàn, chắc chắn hơn rất nhiều. Nó động viên em hãy cố gắng lên, dù thế nào đi nữa cũng phải sống tốt. Nếu trong trường hợp không thể dù mình đã cố gắng hết sức thì hãy về quê làm ăn, chắc gia đình và người thân cũng hiểu và thông cảm cho điều đó thôi.
Xúm lại bàn tán thêm kế hoạch làm ăn, vay mượn trong số đồng hương ít ỏi, cả bọn nhất trí sẽ tìm kiếm mọi khả năng quen biết, nhận bán hàng thùng, hàng tồn kho, cửu vạn thuê cho các kho lớn và sẵn sàng chuyển đổi công việc khi bị thất nghiệp, miễn là tồn tại và hợp pháp.
Văn nhắc Hùng xem lại việc trông nhà vườn cho công ty nào đó mà theo anh thấy nghi ngờ: “Không biết chừng chúng trồng cây cần sa thì toi đời em ạ”. Hùng cũng chột dạ vì thấy công việc quá đơn giản lại có lương kha khá nữa chứ.
Mấy anh em như được giải tỏa tâm lý cùng vui vẻ nâng cốc cạn một hơi. Buổi “picknic” thanh đạm dần về cuối đã vui trở lại. Hùng ôm chiếc đàn ghi-ta dạo bài “Làng tôi” làm cho hai đứa con gái lại khóc thút thít. Văn phải kể mấy chuyện tiếu lâm rất “hót” mới làm cho chúng cười được. Mỗi đứa tham gia một tiết mục tới tận khuya.
Bầu trời lúc này như đã dãn mở thêm ra, sao rực sáng trên đầu, mảnh trăng non hiện ra lúc nào không biết nhìn rõ cả những cụm mây nhẹ bay bồng bềnh, gió từ cánh đồng thổi ào qua luồn xuống mép sông, đưa hương hoa thơm ngát tung lên cao rồi bất ngờ rơi ập xuống. Lòng người xôn xao, ấm áp. Những đứa con phiêu bạt, xa nhà quây quần, nép vào nhau, dựa vào nhau bên ngọn lửa bập bùng cháy và kiên cường bàn mưu tính kế tồn tại.
Văn hắng giọng đọc bài thơ:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai một nắng hai sương
Nhớ ai tát nước bên đường anh qua”
Ở đâu đó nơi phương trời xa, biết bao nhiêu con người đang mong đợi, hy vọng và cầu mong cho họ được sống, được làm việc, được tôn trọng nhân phẩm, thành đạt hẹn ngày trở về bình yên. Con người Việt Nam là như vậy, Việt Nam là như vậy:
Đất nước của những người con gái, con trai
xa nhau không hề rơi nước mắt,
nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt”
Thay cho lời kết của câu chuyện tôi xin trích ra đây lá thư mà một công dân mạng đã tâm sự sau khi theo dõi tình hình cộng đồng người Việt tại CH Séc thời gian gần đây:
Tôi từng ở CH Séc, tôi biết khá rõ về hoàn cảnh sống của dân nhập cư nơi đây, trong đó có cộng đồng Việt Nam . Tôi mong Chính phủ Việt Nam làm tốt công tác tuyên truyền ở ngay trong nước, và tốt nhất là tăng cường hiệu lực quản lý của bộ máy hành chính để không tiếp tục có cảnh người Việt tại Séc gặp vô vàn khó khăn, túng quẫn, trong khi đó vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân tiếp tục “xuất khẩu” người đi ào ào chỉ vì lợi nhuận, hậu quả người dân, xã hội gánh chịu.
Khủng hoảng, suy thoái đến với người bản địa, dân nhập cư tay nghề vững còn thất nghiệp, nói gì đến bà con ở nhà sang không hề có chuyên môn gì. Tuy nhiên, tôi cũng mong số đã sang bên đó rồi gắng thật sự năng động, chịu khó kiếm ăn qua ngày, chăm chỉ học tập, hòa đồng, tôn trọng pháp luật. Bà con đã ổn định cuộc sống xin giang tay cưu mang đồng bào để mau qua cơn khó khăn, bĩ cực này; rồi kinh tế thế giới, châu Âu sẽ sớm hồi phục, bà con ta sẽ có việc làm, cuộc sống sẽ khá lên, chứ về nước bây giờ làm gì nếu không phải là món nợ lớn đang chờ đợi, trong khi nhà cửa, ruộng vườn, cửa hiệu đâu có còn?...
Ở hay về - đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự trả lời, tự chịu trách nhiệm phán quyết lúc này. Bên Tây là như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét