Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Người Việt còn, Tết Việt còn...

Do Quyen
Jan 26, 2009 5:38 PMPublicPageviews 1 0
Đoản bút của Đỗ Quyên

“Có cô thợ nhuộm về ăn tết
Sương gió đường xa rám má hồng”
(Nguyễn Bính)

Cái thần thái của 14 chữ trong hai câu lục bát trên khởi từ 2 chữ “về”, “xa”. Thế mới là sự ăn Tết trong nỗi mừng phấp phỏng của người “má hồng” ở xa trở về dẫu qua bao nhiêu “sương gió.”

- Tết xa nhà, ôi cái thú đau thương...
Nếu không thật xa nhà thì Tết chỉ để… ăn Tết. Và vui như Tết! Phải xa thật xa, muốn về Giời không cho về, mới là Tết để… nhớ Tết! Và buồn như Tết.
Tuổi thơ tôi gặm nhấm cái thú của các bậc cha chú, rồi đàn anh văn sĩ trong gia đình họ hàng: sắp Tết rớn rác tìm một tỉnh, làng xa tới đó nhâm nhi “thú đau thương”: Tết xa nhà. Lớn, tôi cũng tập tành bày đặt được dăm cái Tết xa nhà xa mẹ. Khiến mẹ buồn mẹ chẳng nói ra. Rồi, mẹ mất được ít năm, Giời thấy tôi một mình không ai che chở mà ăn hiếp cho lãnh luôn “cái án” Tết xa nhà đã đúng 20 năm chằn chặn!
Nào ai trách nổi ông Giời. Trách là trách thói càn thói dỡn nghệ sĩ coi Giời bằng cái vung, coi Tết bằng cái đinh! Trong các “ông Trời con” đó, đệ nhất phải là Nguyễn Bính. Những ngày sống của thi hào nối liền các xuân tha hương đã đành, ngày mất cũng có cái Tết xa nhà đón lõng. Đọc bài “Sự thật về cái chết của nhà thơ Nguyễn Bính, cha tôi” của Nguyễn Bính Hồng Cầu mới viết tuần trước trên trang mạng Hội Nhà văn, càng thấy Tết xa nhà quả là cái thú đau thương!
Tết xa nhà sao lại như bị Giời đày đất hành vậy? Ai cũng có cả kho chuyện, nếu là kẻ từng xa nhà. Xin cống hiến bà con Tiền Phong dăm cái thú mà cô thợ nhuộm” tôi ki cóp được trong hai thập niên ăn Tết rặt là ở nước ngoài...

- Đệ tứ buồn: buồn mất Tết!
Dân Việt mình sảy nhà là thất... Tết! Thời gian đã lệch, tiết trời lại chênh: Ở các xứ Âu - Mỹ lạnh sun vòi tuyết trắng trời! Nơi xứ Úc nóng chảy mỡ nắng vỡ đầu! Bảo Tết là Tết cái nỗi gì? Cái thất này cánh đàn ông ngấm nhứt. Vì sao? Nghe nói con người ta đâu như có tứ khoái. Tôi không rành vụ ấy lắm. Chứ đàn ông Việt ở nước ngoài, nhứt là các xứ nữ quyền và con nít quyền cao, tôi thấy có tứ buồn: Buồn mất vợ; Buồn mất con; Buồn mất “giốp” (job: việc làm); và Buồn mất Tết. Đàn bà Việt ở hải ngoại đâu có bị tứ cái buồn đó: Mất chồng là chuyện nhỏ (vụ này ai cũng rành, ở các xứ nữ quyền cao mà!); Mất con: khỏi lo, trẻ nó quậy bỏ nhà đi vẫn nhớ má phôn về, hư mấy cũng tìm má xả cái hư; Mất “giốp”: chuyện càng nhỏ (có chồng lo); Mất Tết: khỏi lo; đàn bà ở đâu âu ở đó, mà âu ở đâu Tết ở đó!
- Làm báo là được ăn Tết trước thiên hạ!
Tôi hên có nghề làm báo nên cũng hơn các liền ông khác, nếu còn “giốp” là còn Tết! Ở hải ngoại, báo Tết cũng hoành tráng đáo để! Nhất là ở Mỹ và Úc. Năm 2005, ngán xứ Lá Phong tôi bò qua xứ Chuột Túi, đến đầu quân một tờ báo tỉnh lẻ thì được sếp hoan hỉ: “Gặp dịp quá trời! Chỉ 4 tháng nữa là... Tết!” Trừng trừng, tôi nhìn sếp tương lai từ đầu tới tay. “Báo tui sống được là nhờ số báo Tết đó cha!” - Sếp dịu dàng nhìn tôi, mời tôi vào cái bàn làm việc máy móc đang chạy ro ro...
- Thơ Tết là thơ về mẹ!
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ túi bụi chuẩn bị cho chương trình Đêm giao thừa Kỷ Sửu của Đài VTV4, chủ đề "Mùa Xuân & Tiếng lòng người xa xứ”. Ông bạn Việt kiều đi đi dzề dzề Đức-Việt Nam đó khẩn nhờ tôi tìm chọn một số thơ của thi hữu ở đây. Chuyện nhỏ! Tôi làm liền. Xong, chợt nhận ra một chuyện lớn - lớn như Thái Sơn bên cạnh mà mình không nhận ra, dù ở bên bao năm: Thơ Tết, thơ Xuân, thơ tâm sự xa đất nước phần lớn là thơ về mẹ - người mẹ của tác giả cũng như Người Mẹ của văn học và Người Mẹ Quê Hương.

- Chợ Tết: đi cho dzui, đỡ nhớ quê nhà!

Ở Việt Nam, Tết có không gian số 1 là Nhà; số 2 phải là Chợ. Đi phiên chợ Tết quê đáng lẽ phải được nâng lên hàng ngũ khoái của người Việt xưa. Ra nước ngoài, dân ta – dù trong năm có ba bè bảy cánh - Tết đến cũng hè nhau giữ cho chặt cái Việt tính này, “để tụi Tây nó lác mắt!” Hội chợ Tết là một đặc sản của bất kỳ thành phố nào ở nước ngoài có chừng 10 (thậm chí 5-7) ngàn người Việt trở lên. Thú thiệt, bình thường tôi ghét, ghét nhất trần đời là đi... chợ (lại là đi theo vợ!) Với chợ Tết quê xưa thì nghe tả vậy chứ nào đã một lần đi? Hồi nhỏ về quê sơ tán bom Mỹ, lo cái mạng sống đâu màng chợ với chả Tết. Nhưng Hội chợ Tết ở hải ngoại là nơi ta phải đến để ta còn là ta. Lại vừa thấy trên mạng, bạn Phạm Thành Châu ở Virginia, Mỹ, nói như ta nghĩ: “Thực ra, đi chợ Tết cho vui, cho đỡ nhớ quê nhà, chứ mua sắm thì đâu cũng có...”
- Quần áo Tết: Khỏi cần!
Bây giờ ở Việt Nam, trừ các nhà khó, chắc đã ít những câu nói ý vị quen thuộc như “Để dành đến Tết mặc cho mới...” Ra nước ngoài, với tôi thú nhứt trong dịp Tết là... mặc gì cũng được! Dù là Tết ta tết Âu Tết Ấn Tết Mễ... Năm ngoái, thấy thi sĩ O. H. bạn tôi dạo quanh Hội chợ Tết thành phố Vancouver này trong bộ quần áo thể thao trắng xóa tay dắt cô cháu ngoại 5 tuổi xinh xắn với trang phục khăn đóng áo dài.
- Quà Tết lớn nhất đời tôi!
Quà Tết: Ở vụ này thì Đông - Tây gặp nhau! Dân Âu - Mỹ coi trọng quà Giáng sinh ra sao, dân Việt quý quà Tết đến vậy.
Kể từ năm nay, thưa bạn đọc gần xa, tôi có được món quà Tết, có lẽ lớn nhất trong đời. Tháng rồi về thăm quê hương, sau 20 năm tôi gặp lại người thày cũ, người đồng nghiệp cũ nay ở tuổi 77: Giáo sư – Nhà giáo ưu tú Lê Băng Sương. Thày Sương dành cho tôi món quà bất ngờ: chiều tà dạo quanh Hồ Gươm, bàn chuyện Hồ Gươm, và khao tôi - bằng nhuận bút viết sách giáo khoa vật lý - một bữa “linh đình” ở Thủy Tạ cũ (nay là Nhà hàng Đình Làng). Thày bảo rằng, thày tin là mỗi Tết ở xa nhớ quê nhà thế nào tôi cũng nhớ buổi này. Một tháng xa thày, xa nước mình về nước người, trong khi Tết đang về, tôi càng ngấm lời thày!
- Người Việt còn, Tết Việt còn...
Nay mượn lời vàng ý ngọc “... tiếng ta còn, nước ta còn” của học giả Phạm Quỳnh để có câu rằng “Người Việt còn, Tết Việt còn”. Tết ở đây không chỉ là thời tiết mới của một năm bốn mùa luân chuyển trong Đất Trời, mà còn là khí tiết Việt lưu đọng nơi Con Người.
Tết ơi, giờ khác xưa rồi! Trong thời đại di dân, cuộc sống nhân loại dần dần toàn cầu hóa, với con người hội nhập thì đâu cũng là nhà, xứ lạ thành quê ta. Con dân đất Việt có thể tới các tiết trời nóng lạnh khác nhau, nhưng với dòng máu Việt chảy trong người thì chúng ta luôn còn Tết!


Canada, những ngày giáp Tết Kỷ Sửu
Đỗ Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét